Thứ Hai, 2 tháng 6, 2014

ĐẠI ÁN


Chị vốn được sinh ra trong khuôn viên một toà án, thuở nhỏ, chỗ chị chơi là sân cuả nhà tù Hoả Lò. Cứ thế tuổi thơ chị gắn với những chồng chồng lớp lớp hồ sơ vụ án, mùa đông rét mướt bọn chị sưởi ấm bằng cách đốt những bản án bị lãng quên, thậm chí đi ỉa chị cũng chùi đít bằng những tờ cáo trạng. Nói thế để biết chị Mượt của các cô hiểu sâu sắc thế nào về cách xử lí những vấn đề bằng luật pháp.

Vụ án sơ thẩm xử bầu Kiên sẽ kết thúc vào ngày 5/6 tới đây. Đây là vụ án với khá nhiều những điều kì lạ trong lịch sử tố tụng Việt Nam. Giải thích vụ án này theo nghĩa thông thường là điều không thể. Không còn ranh giới giữa sự đúng/sai. Về bản chất, không ít người hiểu những việc bầu Kiên đã làm ảnh hưởng tiêu cực thế nào đối với nền tài chính tiền tệ thời gian qua. Nhưng về hiện tượng, với những chứng lí trong tay, rõ ràng các cơ quan rất khó để kết tội bầu Kiên với những tội danh được đưa ra.

Nhưng chị sẽ không sa đà vào những tiểu tiết vốn gây ra những mâu thuẫn sâu sắc giữa hai phe ủng hộ và không ủng hộ bầu Kiên. Chị cũng không phân tích theo luật, vốn là chuyên môn của chị. Chị giải thích chuyện này theo một cách khác lớn hơn rất nhiều. 

Đấy là về chủ nghĩa Mác - Lê, về câu chuyện đấu tranh giai cấp. Thế mới kinh.

Chắc các cô đã đọc chuyện "Hai nghìn quan tiền Tây" được chị bót cách đây ít giờ. Nếu tinh í các cô sẽ phân tích ra những kẻ được mô tả "một giẫy người hốc hác, hôi hám như những tang chứng hoạt động của sự lam lũ, nheo nhóc ở nơi bùn lầy, nước đọng, trông tưởng như một lũ ma đói hiện hồn lên trách thầm cái phú quý của những người khác." giờ đã đổi vai để làm chủ đất nước. Con cháu họ giờ ngồi trên chiếc ghế phán xét để đòi lại công bằng cho xã hội.

Và dĩ nhiên, câu chuyện công bằng sẽ không chỉ là những lát cắt của phiên xử bầu Kiên. Nơi công lí và luật pháp bị nhạo báng như câu chuyện 80 năm về trước. Câu chuyện công bằng ở đây là sự đấu tranh giữa các giai cấp để thực thi quyền làm chủ đất nước. Đó là một quá trình dài đằng đẵng và mang nhiều nghịch lí.

Trang 237, tập 7, của V.I.Lênin toàn tập do nhà xuất bản Tiến Bộ phát hành có nói rõ. Đấu tranh giai cấp là khái niệm dùng để chỉ cuộc đấu tranh của quần chúng chống lại bọn có đặc quyền, đặc lợi, bọn áp bức và bọn ăn bám, cuộc đấu tranh của những người vô sản chống lại những người hữu sản hay giai cấp tư sản... 

Các cuộc đấu tranh giai cấp có thể biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, với những phạm vi và trình độ khác nhau như: đấu tranh kinh tế, đấu tranh tư tưởng, đấu tranh chính trị... Trong thực tế lịch sử đấu tranh giai cấp còn có thể mang hình thức đấu tranh dân tộc, tôn giáo, văn hóa...

Và vai trò của nhà nước trong chủ nghĩa Mác-Lê cũng được miêu tả:

Chính quyền nhà nước là vấn đề trung tâm và cơ bản của cuộc đấu tranh giai cấp trong xã hội. Sự ra đời và tồn tại của nhà nước không phải để giải quyết mâu thuẫn giai cấp mà là để duy trì trật tự xã hội trong điều kiện mâu thuẫn không giải quyết được.

Là một quốc gia lấy tư tưởng Mác-Lê làm kim chỉ nam cho xuyên suốt các hoạt động nhà nước. Việc bầu Kiên chỉ là ví dụ nhỏ trong việc một Nhà nước duy trì công bằng xã hội bằng tư tưởng. Đó chưa hẳn là điều không tốt.

Xét một cách tổng thể, việc bắt bầu Kiên vào thời điểm khủng hoảng hệ thống tài chính tiền tệ là cần thiết để bảo vệ hệ thống vốn dĩ mong manh ấy, bảo vệ niềm tin, bảo vệ những người dân gửi tiền vào các Ngân hàng, khi mà luật pháp chưa kịp theo những biến chuyển của thời đại.

Dù sao, Trật tự cũng bắt đầu được lập lại.

Chị thật.
Thích ·  · 

HAI NGHÌN QUAN TIỀN TÂY VÀ 30 NĂM


Chuyện 80 năm trước.

Mời các cô đọc tác phẩm "Hai nghìn quan tiền tây” của loạt phóng sự “Trước vành móng ngựa”. Đăng trên Tuần báo Ngày Nay năm 1935. Tác giả nhà văn Hoàng Đạo, anh ruột nhà văn Thạch Lam. Hoàng Đạo bạn thân chị còn là một trong những người sáng lập ra nhóm văn sĩ Tự Lực văn đoàn. Gần một thế kỉ trôi qua mà câu chuyện vẫn nguyên vẹn tính thời sự. Thế mới tài.

“Không có gì buồn và chán nản bằng một phiên tòa xử “tù rượu”, nghĩa là những người bị cáo về tội buôn rượu lậu. Cũng không có gì làm cho ta nghĩ ngợi bâng khuâng hơn.

Một giẫy người khốn khổ, ốm yếu, áo nâu tả, váy đụp, không dám ngồi hẳn lên chiếc ghế dài để riêng cho tội nhân, sợ làm bẩn mặt ghế của nhà nước, một giẫy người hốc hác, hôi hám như những tang chứng hoạt động của sự lam lũ, nheo nhóc ở nơi bùn lầy, nước đọng, trông tưởng như một lũ ma đói hiện hồn lên trách thầm cái phú quý của những người khác.

- Mày có nấu rượu lậu không?
- Bẩm có.
Ông Chánh án:
- Phạt hai nghìn quan tiền tây.

Sự thất vọng và tính nhẫn nại đều hiện cùng một lúc lên nét mặt gầy gò xanh xao của một người nông phu rét run trong manh áo mỏng sờn vai, vá nhiều chỗ. Anh ta đã rời vành móng ngựa còn quay cổ lại như muốn nói điều gì, nhưng có lẽ biết rằng cũng đều vô ích, nên lại bước chân đi.

- Mày có cơm rượu lậu không?
- Bẩm, con không nấu rượu lậu...
- Nhưng người ta bắt được bã rượu ở nhà mày.
- Bẩm có.
Ông Chánh án:
- Hai nghìn quan tiền phạt.

Bị cáo nhân, một bà lão, kêu van:
- Bẩm, con già nua, quan thương cho.
Viên thông ngôn:
- Già nua mặc kệ, về việc đoan, không ai thương xót đâu. Ra!
Bà lão thở dài, nước mắt rưng rưng muốn khóc, cố van lớn:
- Bẩm, những hai nghìn, con nghèo khổ, con lấy đâu con giả?
Viên thông ngôn:
- Toà xử rồi. Không bằng lòng thì chống án. Đi. Đi ra!
Thấy bà lão còn trù trừ, viên thông ngôn quát:
- Đội xếp đâu! Lôi nó ra!
Người đội xếp sấn sổ lại, kéo bà lão ra ngoài, để đến phiên người khác.

Một người đàn bà, áo tứ thân rách, váy đụp, vừa đứng dậy vừa vạch yếm cho con bú.
- Mày có cơm rượu lậu không?
- Bẩm không.
- Nhưng người ta bắt được bã rượu ở nhà mày.
- Bẩm không, ở ruộng con đấy ạ.
- Thế là đủ rồi.
- Bẩm, ruộng con cách xa nhà con lắm. Người ta thù con, người ta bỏ vào đấy ạ.
- Có biết ai bỏ không?
- Bẩm không.
Ông Chánh án:
- Hai nghìn quan tiền phạt.

Rồi kế tiếp nhau, năm sáu chục người nhà quê ra chịu tội. Ông Chánh án không mấy khi phải nghĩ ngợi khi lên tiếng:
- Hai nghìn quan tiền phạt.

Sau cùng đến lượt một người gù lưng ra van lạy:
- Bẩm, con tàn tật...
- Tàn tật mặc mẹ mày. Có cơm rượu lậu không?
- Bẩm có.
- Mày đã bị cáo hai lần rồi. Sao lại còn tái phạm?
- Bẩm, con chỉ có nghề làm rượu. Con tàn tật, bỏ nghề ấy thì con chết đói mất.
- Không biết. Hai nghìn quan tiền phạt.”
Thích ·  ·