Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2015

CẤM CHỬI

Bé yêu của Xơ, một nhà báo, một blogger có tiếng, tên thật là gì xơ hông nhớ, trên mạng gọi quen là Cu Trí, đã từng chỉ mặt đuổi thẳng cổ một em xinh đẹp nõn nà trong một buổi tiệc, chỉ bởi em văng một vài từ tục trước mặt nhiều người lớn tuổi đáng kính. Đấy là Xơ nghe kể lại chứ cũng không chứng kiến.

Cu Trí, trong tất cả những buổi gặp gỡ, chuyện trên giời dưới biển từ chính trị thượng tầng đến osin hàng xóm đều được đưa về mẫu số chung là những câu chuyện tục tĩu, giao cấu, yêu đương. Nhưng rất lạ, không ai trong bàn tiệc cảm thấy phiền lòng, thậm chí còn khá thích thú khi Cu Trí có mặt. Nói tục duyên như Cu Trí, nếu đứng số 2 không ai dám nhận là số 1. Xơ đứng thứ 3. Hehe.

Hai ví dụ là một mâu thuẫn, nhưng có thể lý giải nếu xét trong bối cảnh và thái độ của chính người phát biểu. Trí nói tục nhưng không hỗn để người khác phải khó chịu, thảo mai kính trên nhường dưới khiến ai gặp cũng quý mến. Bọn ghét block lâu rồi.

Kể ví dụ trên bởi hôm nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội, câu chuyện về việc Hà Nội giao cho các cơ quan chức năng nghiên cứu để ban hành một quy tắc nhằm xử lý những hành vi không văn hoá như nói tục trong nhà trường và xã hội gây ra khá nhiều tranh cãi.

Trong các cuộc luận bàn, đa số những người đứng tuổi đều lấy giá trị ngày xưa để so sánh, để nói rằng chuyện văng tục chửi bậy trước đây chỉ có ở nơi kẻ chợ, chứ không bao giờ có trong công sở và các gia đình gia giáo.

Và không có gì dễ dàng hơn nhân danh đạo đức để phê phán thói xấu này, cũng không gì dễ dàng hơn đổ lỗi cho xã hội và gia đình ngày nay chạy theo vật chất kim tiền thiếu quan tâm giáo dục lớp trẻ.

Sẽ khó có thể hạn chế lớp trẻ nói tục chửi bậy bằng những lời giáo điều đó. Giống như xơ, nhiều người sẽ cười nhạt, nhân cách chưa bao giờ được chứng minh chỉ qua lời nói, mà còn cần cả qua những hành động thực tế song hành. Họ không bao giờ tin lớp người xưa không bao giờ nói tục, tâm tục, làm tục.

Khiêm tốn tự nhận mình bật lên trên thế giới mạng này bởi cách viết kèm những từ bậy bạ, chưa bao giờ xơ ngượng mồm khi buông lời tục tĩu, nhưng không vì thế mà xơ ủng hộ chuyện nói tục bừa bãi. Trên mạng, nếu không phải cùng hội cùng thuyền, xơ không bao giờ vào nhà người khác văng tục, không bao giờ chửi những người comment lịch sự. Thậm chí ngoài đời, để nghe được xơ nói bậy là điều hãn hữu. Đó là xơ không có nhu cầu chứ không phải là sự cố gắng. Dĩ nhiên, những bạn vào nhà văng tục một cách bẩn thỉu thù địch cũng sẽ bị xơ block chết cụ một cách âm thầm và êm ái.

Trước đây, Hà Nội đưa tiêu chuẩn không nói tục trong công sở có thể hiểu được, nhưng lần này HN lại muốn áp dụng rộng rãi đến các trường học và xã hội là điều khá lạ lùng, đó chỉ được gọi là quy tắc ứng xử chứ không thể là một quy định bắt buộc nên khó có chế tài phạt, kèm theo việc xác định thế nào là nói tục, ai nói tục, ai xác nhận sẽ khá khó khăn, chưa kể đã là văn bản thì cứng nhắc bất biết bối cảnh là điều khá nực cười.

Ngôn ngữ là một sáng tạo diệu kỳ, nó giúp bộc lộ tâm tư, tình cảm và những điều muốn truyền đạt với cộng đồng. Đó là đặc ân Chúa trời dành riêng cho loài người. Nói, hay viết tục là một nhu cầu không thể thiếu từ xưa đến nay, vui nói, buồn nói, ghét nói, yêu nói..., thậm chí được chửi bậy thoái mái đôi khi còn là khát vọng, đó là điều khó có thể phủ nhận.

Có chăng, nói-viết đúng lúc đúng chỗ và thái độ ứng xử trước đồng loại mới là việc cần bàn chứ không phải chuyện nói tục. Nếu tôn trọng, câu nói tục cũng có thể trở thành một vần thơ, ngược lại, không tôn trọng nhau thì ngàn lời văn vẻ hoa mĩ cũng chả ra cái lồn gì. Nó là câu chuyện giáo dục của cả một quá trình, và quan trọng là phụ thuộc vào tấm gương ứng xử của các thế hệ đi trước chứ không phải là những văn bản hành chính . Phỏng các quý cô?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét