Bán con bán chó có bằng cái chết không? Cũng chẳng thể bằng.
Con sâu cái kiến còn sợ cái chết thì con người trí óc bình thường tìm đến cái chết là khi họ đã cùng cực không còn con đường nào nữa rồi.
Tôi chẳng thể cầm được nước mắt khi nghe về những cái chết thương tâm gần đây, như cái chết của người phụ nữ chỉ để đổi lấy sự công nhận hộ nghèo của chính quyền nhằm giúp chồng con đỡ khổ. Bỏ lại sau lưng ông chồng và ba đứa con nheo nhóc, khốn cùng.
Tôi cũng bàng hoàng xót xa khi đọc tin hai em nhỏ ở Tây Nguyên chỉ vì không có tiền nộp phạt hơn hai triệu do vi phạm giao thông mà cũng tìm đến cái chết bằng thuốc diệt cỏ giữa tuổi thanh xuân tràn đầy mơ ước. Khuôn mặt thiếu nữ với cái miệng bị thuốc diệt cỏ cháy loét biến dạng chẳng thể chào cha mẹ trước khi nhắm mắt lìa đời của các em đã khiến hàng vạn người đau đớn.
Mạng người rẻ mạt vậy sao? Giờ là thời đại nào? Ta đang sống ở đâu?
Câu chuyện về nàng Kiều hay chị Dậu một thời được mang ra làm ví dụ cho những mảnh đời cơ cực, so với những bi kịch vừa xảy ra trước mắt đây bỗng chốc trở thành vô duyên nhạt nhẽo. Nghèo không phải là bản án tử hình mà sao vẫn nhiều cái chết chỉ vì nghèo.
Có lẽ những cái chết thương tâm ấy sẽ làm nhiều người có tấm lòng nhân ái trong xã hội day dứt, nhưng có nghĩa lý gì khi những kẻ nhân danh chính quyền vẫn lạnh lùng tìm cách đổ lỗi cho chính sách, cho luật lệ. Chính sách, luật lệ vốn chẳng có lỗi, lỗi ở những kẻ vô cảm không tính người kia đã áp dụng cứng nhắc với đồng loại mình mà thôi.
"Hi vọng những cái chết đó chỉ dừng lại ở lời cảnh tỉnh chứ không phải là những Bản án chế độ". Một nhà báo nổi tiếng, trong nỗi buồn đã bật lên tiếng thở dài ai oán.
4.5.2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét