Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014

PHIẾM VỀ HUYỀN CHÍP

Tôi chưa đọc những gì Huyền chíp viết, nên không bàn về chuyện đúng sai trong những câu chuyện của em. Tôi chỉ muốn bàn về những gì người ta nói về em trước và sau khi xuất bản cuốn sách được gọi là hồi kí "Xách ba lô lên và đi".  

Rất khó để nhận ra những tiếng nói bảo vệ em trong bạt ngàn bài báo, mạng xã hội đang phê phán những gì em viết. Dư luận đòi hỏi em trung thực trên những trang viết của mình. Giáo sư, nhà báo, nhà kinh tế, nhà văn ... thậm chí cả đại biểu Quốc hội cũng tham gia vào cuộc tranh cãi xung quanh cuốn sách này.  

Trước hết phải nói, đây là cuốn sách của một cô bé mới ngoài hai mươi tuổi. Lứa tuổi mà nhiều thanh niên vẫn còn quanh quẩn bên luỹ tre làng. Lứa tuổi mà nhiều em sáng cha mẹ vẫn còn phải rát cổ gọi dậy, "mớm" cho ăn và chở đến trường. Lứa tuổi mà quá nhiều bạn trẻ không viết nổi một tờ đơn xin việc... Thì rõ ràng, hành động "xách ba lô lên rồi đi" của Huyền là một điều đáng khích lệ.  

Việc em có 700 đô la Mỹ để bắt đầu đi liệu có quan trọng? Việc em đi 25 hay 26 hay 40 nước liệu có quan trọng? Theo tôi, đó là những điều đáng để thắc mắc nhưng chẳng quan trọng. Quan trọng, những chuyến đi có thực của em đến những vùng đất lạ trên Thế giới đã gửi gắm đến những thanh niên cùng thế hệ niềm khao khát khám phá, sự tự lập, dám nghĩ dám làm.  

Chúng ta, nhân danh người lớn chẳng thể đòi hỏi sự trung thực tuyệt đối trong những trang sách, bởi như tất cả những cuốn sách trên đời này, sự hư cấu là điều gần như bắt buộc để hấp dẫn bạn đọc.  

Tôi đã bật cười chua xót khi đọc những bài báo "chẻ chữ" trong cuốn sách của Huyền, thậm chí còn nâng lên thành quan điểm chính trị như câu chuyện em không muốn trả tiền cho nhà nước Myama thành quan hệ ngoại giao cấp nhà nước. Quan điểm ấu trĩ của người viết khiến bài báo không còn là phản biện nữa, đó chỉ thể hiện sự đố kị, nhỏ nhen, một thói xấu khá phổ biến của người Việt.  

Có những người lớn tuổi lo cho con cháu mình đọc sách rồi học theo Huyền, lác đác đã có người mang cả người thân ra làm ví dụ thực tế cho những hiểm nguy khi noi theo gương của Huyền. Thực ra những nỗi lo lắng đó là thừa thãi. Chúng ta đã sống qua những giai đoạn bắt buộc lí tưởng hoá những tấm gương không có thật. Cấm nghĩ khác. Cấm làm khác. Vậy mà chúng ta vẫn bằng nhiều con đường khác nhau để tìm hướng đi phù hợp với bản thân mình, hà cớ gì giờ phải lo cho các em với những công cụ tiếp cận thông tin hiện đại máy móc bắt chước một ai đó.  

Câu chuyện về cô bé Huyền và cuốn sách gây nhiều tranh cãi rồi cũng qua đi. Cũng có thể, giờ đây ekip Huyền và cộng sự đang ngồi đâu đó ăn mừng vì số lượng sách phát hành tăng cao. Dư luận thì thoả thê vì cảm giác vùi dập, vạch trần sự dối trá một kẻ nổi tiếng. Nhưng hệ luỵ đối với xã hội qua việc này có lẽ không nhỏ, đó có thể khiến một thế hệ thanh niên mất lòng tin vào những điều đẹp đẽ trên đời. Những điều đẹp đẽ, MẶC DÙ KHÔNG CÓ THẬT vẫn luôn là động lực để chúng ta tiến hoá và phát triển. Ngàn đời vẫn vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét