Tàu chuyển bánh, chếch bên ghế tôi ngồi có hai mẹ con, người phụ nữ ước chừng 30 tuổi, khá xinh đẹp. Nhìn chiếc váy ngắn sành điệu và đồ đạc mang theo, tôi đoán chắc gia đình cũng khá giả. Đứa bé khoảng 8,9 tuổi nhưng gầy và cao. Cô bé có đôi mắt ngây thơ và khuôn mặt thật thanh tú.
Mơ màng ngủ, tôi bị lay dậy bởi tiếng lao xao của người soát vé với mẹ con cô bé. Người thiếu phụ đang giải thích với người soát vé rằng con cô ta mới 5 tuổi và thuộc diện miễn vé, còn người soát vé tỏ ra nghi ngờ. Bất chợt, người soát vé hỏi cô bé: "Cháu bao nhiêu tuổi?" "Cháu 8 tuổi ạ" Cô bé nhanh nhảu trả lời. Dĩ nhiên, sau vài phút phân trần, mẹ cô bé vẫn phải bỏ tiền để mua vé bổ sung cho bé.
Tưởng chuyện không có gì, tôi nhắm mắt tiếp tục chìm vào những suy nghĩ miên man trong âm thanh đều đều đến tức ngực của đoàn tàu. Bỗng tôi giật mình bởi tiếng động, "Bốp, bốp" 2 cái tát kèm theo tiếng rít qua kẽ răng của người mẹ "Tao đã dặn mày ai hỏi phải nói là 5 tuổi cơ mà, sao mày không nghe lời", Cô bé con bị hai cái tát hằn vết ngón tay trên mặt hoảng loạn mếu máo "Con không biết, con 8 tuổi thì phải nói 8 tuổi chứ".
Chuyện chẳng đáng phải kể thêm, mỗi người có cách giáo dục con cái, mình không thể lo được tất cả chuyện thiên hạ. Nhưng trong câu chuyện mà tôi chứng kiến, cô bé bị đưa vào trường hợp phải lựa chọn, một là nói dối hai là không nghe lời mẹ.
Hai việc đều sai nếu ta lấy sách giáo khoa làm tham chiếu. Cuộc sống chẳng bao giờ được như mơ, cũng chẳng mấy khi giống sách giáo khoa, luôn có những lựa chọn khó khăn, tuy nhiên cô bé đã chấp nhận ăn tát để lựa chọn cái sai mà tôi gọi là "SAI có NHÂN CÁCH". Đó chẳng phải là bài học lớn của trẻ cho người lớn hay sao.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét